028.38 360 699Tư vấn miễn phí Download báo giá Laptop, PC, Linh kiện... Sửa chữa & Kỹ thuật Laptop, PC, bảo hành...

GIGABYTE GeForce GTX 970 G1 Gaming – Với thiết kế cánh độc quyền và tản nhiệt hiệu quả

longbinh_companyNgày đăng: 11/03/2014Lượt xem: 1250

Ngoài các mainboard dòng G1 Gaming, GIGABYTE cũng đã bắt đầu có những model card đồ họa thuộc dòng sản phẩm hướng đến game thủ này. Hai model card đồ họa G1 Gaming Series đầu tiên của GIGABYTE trang bị GPU NVIDIA 900 Series gồm GTX 980 G1 Gaming và GTX 970 G1 Gaming. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ xem thử những gì khác biệt mà G1 Gaming Series mang lại so với dòng card thường. 

GIGABYTE GTX 970 G1 Gaming có thiết kế hộp đựng gần như tương đồng so với GTX 970 thường của hãng, tuy nhiên vẫn có những điểm đặc trưng dễ nhận biết. Ngoài 2 logo Flex Display và WINDFORCE, G1 Gaming Series còn có thêm logo Super Overclock cho thấy chiếc card đã được nhà sản xuất ép xung sẵn khá nhiều. Hình ảnh con mắt trên vỏ hộp GTX 970 G1 Gaming có kích thước nhỏ hơn, nằm về nửa bên trái, nhường chỗ cho logo G1 Gaming (GTX 970 thường có hình ảnh con mắt kích thước khá lớn, chiếm hơn 2/3 diện tích).

Mặt sau hộp đựng GIGABYTE GTX 970 G1 Gaming là phần mô tả chi tiết hơn cho 3 logo đặc biệt phía trước. Ở đây chúng ta thấy WINDFORCE là thiết kế tản nhiệt đặc biệt của GIGABYTE, trong đó phiên bản G1 Gaming sử dụng thiết kế cánh quạt kiểu mới, các heatpipe tiếp xúc trực tiếp GPU, lưng card có backplate kim loại tăng khả năng tản nhiệt và logo WINDFORCE có đèn LED. Với GPU Gaunlet Sorting, GIGABYTE tuyển lựa những GPU đạt chất lượng tốt nhất, hiệu năng mạnh mẽ và ổn định để mang lại những chiếc card đồ họa đáng tin cậy cho game thủ hay những tín đồ ép xung. Flex Display gồm có nhiều cổng kết nối khác nhau, mang đến khả năng xuất hình ảnh cùng lúc ra đến 4 màn hình nhằm đáp ứng nhiều nhu cầu công việc.

Là một model card đồ họa dành cho game thủ thuộc phân khúc cao cấp, GIGABYTE GTX 970 G1 Gaming cũng có thiết kế sang trọng và cao cấp từ ngoài vào trong. Hộp đựng chính bên ngoài và hộp phụ bên trong đều đẹp mắt, cứng cáp, mờ ở những chỗ nên mờ và bóng ở những nơi cần bóng, khá hợp lý.

Bên trong, GIGABYTE GTX 970 G1 Gaming được đóng gói cẩn thận, bọc trong 1 túi kiếng chống tĩnh điện, khung bao xung quanh bằng mút xốp êm ái, đảm bảo quá trình vận chuyển không bị va đập. Khung bằng mút xốp cũng được tạo hình vừa với chiếc GTX 970 G1 Gaming nên trông chuyên nghiệp hẳn.

Phụ kiện đi kèm theo GIGAYTE GTX 970 G1 Gaming gồm có hướng dẫn sử dụng, đĩa driver, 2 đầu chuyển dành cho việc cấp thêm nguồn phụ khi bạn dùng nguồn không có đầu PCIe 6 pin và PCIe 8 pin . Thật ra mà nói thì để an tâm sử dụng một hệ thống trang bị đến GTX 970 G1 Gaming, hẳn người dùng cũng đã có sẵn cho mình 1 PSU từ trung cấp trở lên nên đầu nguồn PCIe dĩ nhiên sẽ không lo thiếu.

Nhân vật chính GIGABYTE GTX 970 G1 Gaming có bộ khung tản nhiệt được phủ trong lớp decal trong nhằm mục đích bảo vệ, ngoài ra còn mang lại cảm giác thích thú cho người dùng khi tự tay bóc… decal chiếc card của mình. Có thể nói GIGABYTE đã hơi quá cẩn thận vì bộ khung tản nhiệt WINDFORCE được gia công bằng kim loại, vân xước, do đó cũng không cần thiết phải che phủ kỹ như thế.

Mặt lưng chiếc card, như những gì đã được giới thiệu ngoài vỏ hộp, GIGABYTE trang bị backplate kim loại cho GTX 970 G1 Gaming. Phần backplate này dày khoảng 1mm, màu đen, cũng với vân xước và được trang trí bằng các đường cắt chéo mạnh mẽ, dứt khoát. Vị trí các lỗ bắt ốc cũng được làm khá đẹp mắt và chi tiết.

Chiếc card thật ra không quá dài, nhưng vì khối lá nhôm tản nhiệt có kích thước lớn, nhô ra khỏi PCB nên GIGABYTE cũng gia công phần backplate kéo dài ra đủ để phủ kín phần nhô ra này, nhờ đó trông card mạnh mẽ và chắc chắn hơn nhiều.

Logo G1 Gaming ngược? Việc đặt ngược logo G1 Gaming theo đúng ý đồ của GIGABYTE khi người dùng lắp đặt card vào thùng máy chuẩn thông thường, lúc này nhìn từ ngoài vào, bạn có thể đọc được dòng chữ G1 Gaming và logo theo đúng chiều của nó. Dĩ nhiên việc đặt logo như thế này sẽ không phù hợp khi card được sử dụng trên bench table hoặc gắn trong các thùng máy có biến tấu lạ. Phần logo G1 Gaming thật ra cũng chưa ấn tượng lắm vì nó được in bằng sơn trắng, sờ vào có cảm giác nổi nhưng nếu logo này được khắc chìm vào phần backplate sẽ đẹp hơn.

Một điểm rất đáng khen ở các sản phẩm của GIGABYTE, nhất là card đồ họa: các đầu kết nối, cổng giao tiếp đều được bảo vệ cẩn thận bằng nắp nhựa. Như trên hình, những nơi có thể cắm rút trên card đều được bảo vệ, gồm 2 cổng DVI, 1 HDMI và 3 DisplayPort. Ngoài ra phần kết nối đa card đồ họa NVIDIA SLI và chân cắm PCIe x16 cũng được che chắn tốt.

Gỡ bỏ lớp decal dán bên ngoài tản nhiệt, GTX 970 G1 Gaming hiện lên mạnh mẽ và cứng cáp, tuy nhiên trông card vẫn chưa quá khác biệt so với dòng thường trừ khi bạn nhìn vào lưng card với backplate G1 Gaming. Theo như nhận diện thương hiệu mặc định trong đầu, mình cứ nghĩ là card đồ họa G1 Gaming của GIGABYTE ít nhiều cũng liên quan đến dòng mainboard G1 Gaming, nghĩa là tông màu đỏ đen, mang chất game thủ hơn. Ở đây, card đồ họa G1 Gaming sẽ mang tông màu đen trắng với màu đen chủ đạo, trắng ở logo G1 Gaming. Có lẽ nhận diện thương hiệu card đồ họa G1 Gaming sẽ thể hiện ở các chi tiết nhỏ hơn nhưng nhiều hơn và đặc biệt là trải nghiệm của người dùng.

Theo tiêu chuẩn, NVIDIA GeForce GTX 970 cần cấp thêm nguồn phụ từ 2 đầu PCIe 6 pin, tuy nhiên GTX 970 G1 Gaming của GIGABYTE yêu cầu cao hơn, 1 đầu PCIe 6 pin và 1 đầu PCIe 8 pin. Điều này cũng dễ lý giải vì chiếc card trang bị tản nhiệt lớn với 3 quạt làm mát, logo WINDFORCE có đèn LED và đặc biệt là hỗ trợ ép xung cao, ngoài ra nhà sản xuất cũng đã tiến hành ép xung sẵn (+12%).

Logo WINDFORCE trang bị đèn LED xanh dương, mang tính trang trí tốt với các thùng máy có cửa sổ mica, nhất là khi hoạt động trong đêm (mà đa phần game thủ đều cày game vào buổi tối).

Cận cảnh quạt làm mát với thiết kế cánh độc quyền sử dụng trong hệ thống tản nhiệt WINDFORCE 3X trên GIGABYTE GTX 970 G1 Gaming. Thiết kế các dải sọc 3D độc đáo trên cánh quạt giúp dòng không khí dễ dàng chia thông qua quạt, tăng cường luồng gió lưu thông và giảm sự rối loạn luồng khí đến 23%. Hệ thống tản nhiệt WINDFORCE 3X có khả năng tản nhiệt ở mức tối đa đến 600W, tuy nhiên vẫn chỉ chiếm 2 khe PCI khi lắp đặt. Công nghệ Triangle Cool độc quyền cùng kiến trúc lá nhôm tản nhiệt đặc biệt giúp tăng hiệu năng làm mát đến 35% trong khi vẫn giữ được sự yên lặng cần thiết.

 

 

Bình luận