028.38 360 699Tư vấn miễn phí Download báo giá Laptop, PC, Linh kiện... Sửa chữa & Kỹ thuật Laptop, PC, bảo hành...

Việt Nam vào top 10 quốc gia đáng sống với người nước ngoài, vì sao?

longbinh_companyNgày đăng: 07/10/2019Lượt xem: 1042

Hai cô gái người Nga Marina (phải) và Elena làm việc cho một cửa hàng bán trang sức ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Bảng xếp hạng năm 2019 của HSBC dựa trên phản hồi của hơn 18.000 người nước ngoài đến sống ở 163 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là nơi dễ thiết lập cuộc sống mới, nền kinh tế ổn định, cơ hội thăng tiến sự nghiệp tốt, đặc biệt là yếu tố cân bằng cuộc sống khá cao và cuối cùng là cuộc sống của người thân... 

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các chuyên gia và những công dân nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam về bảng xếp hạng này.

Chị Micka Chu (diễn viên, nhà biên kịch người Pháp lai Nga):

Điểm đến rất tốt cho người muốn khởi nghiệp

Trong hơn ba năm rưỡi sống và làm việc trong ngành giải trí ở Việt Nam, có rất nhiều điều tuyệt vời xảy ra với tôi khi tham gia các game show, trình diễn thời trang... và thăm thú những địa điểm nổi tiếng tại Việt Nam. Giờ đây, tôi muốn sống lâu dài ở Việt Nam. Tôi học tiếng Việt, du lịch rất nhiều nơi trong nước, có bạn trai người Việt, tôi rất gắn bó với văn hóa, con người và đất nước Việt Nam.

Do đó, tôi không ngạc nhiên chút nào khi Việt Namlọt vào danh sách này. Bởi trong những năm qua, tôi thấy sự phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, với nhiều cơ hội cho người trẻ, lĩnh vực giải trí là một ví dụ. 

Tôi nghĩ Việt Nam là một điểm đến rất tốt cho những người muốn khởi nghiệp hoặc các chuyên gia, bởi cơ hội mở công ty của riêng mình là không quá khó. 

Thời tiết ở Việt Nam rất tốt, đặc biệt là ở Sài Gòn. Các bạn có mùa hè mãi mãi ở đây. Đây là sự thay đổi dễ chịu, đặc biệt là với người châu Âu đã mệt mỏi với cái lạnh mùa đông. Hơn nữa, người Việt Nam rất tử tế, chào đón và cởi mở với người nước ngoài. Họ thích học tiếng Anh và làm việc chung với chúng tôi.

Tuy nhiên, để thu hút và hấp dẫn hơn trong mắt người nước ngoài, theo tôi, Việt Nam nên có chính sách cho phép người nước ngoài mua nhà đất và sở hữu mãi mãi, thay vì 50 năm như hiện nay. Tôi hi vọng luật ở Việt Nam sẽ ổn định hơn để người nước ngoài yên tâm khi mua nhà, thành lập doanh nghiệp và sinh sống lâu dài.

Anh Raphael Galuz, người Pháp, cùng học sinh lớp tiếng Anh của mình tại một trường tiểu học ở huyện Hóc Môn, TP.HCM. Anh Raphael đã ở Việt Nam được gần 3 năm nay - Ảnh nhân vật cung cấp

Anh Ben Mawdsley ("hiệp sĩ cứu thương" người Canada):

Tới VN là số phận của tôi

Tôi thực sự có duyên nợ với nơi này từ hơn 3 năm rưỡi trước. Tôi đã có một công việc ở Nhật, nên lần đầu tới TP.HCM, tôi chỉ định ở trong 6 tuần để dạy tiếng Anh và thi lấy chứng chỉ TEFL, trước khi quay trở lại Nhật làm việc. 

Nhưng sau một thời gian sống ở Sài Gòn, tôi nhận ra đây chính là nơi tôi muốn ở lại, làm việc và gắn bó lâu dài.

Tôi vốn ngại những nơi "sang chảnh" mà thích không gian sống trong cái hẻm nhỏ, thức ăn đường phố, thích uống bia vỉa hè, thích lê la khắp các ngõ nhỏ, phố nhỏ của Sài Gòn và các chốn sinh hoạt của người bình dân. Nói chung, tôi thích những vùng nông thôn và những người địa phương cởi mở, thân thiện.

Tôi đang có công việc kinh doanh riêng và dạy tư cho một số gia đình. Thời gian còn lại, tôi dành cho công tác tình nguyện. Mỗi tuần một lớp tiếng Anh miễn phí vào chủ nhật. Mỗi tháng một lớp dạy kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu cho người bị nạn. Có thể nói, đến Việt Nam là số phận của tôi. Tôi yêu Việt Nam và sẽ định cư lâu dài ở Việt Nam.

Ông Stivi Cooke (người Úc, sống ở Hội An, Quảng Nam):

Tôi đã "phải lòng" Việt Nam

Năm 2005, tôi đến Việt Nam lần đầu và đã "phải lòng" Việt Nam nên tôi đã trở lại. Và sau 13 năm sinh sống tại đây, tôi vẫn nguyên vẹn tình yêu đó. Tôi sống ở Hội An, đó là một nơi nửa nông thôn nửa thành thị và trên quãng đường ven biển cách nhà tôi chưa đầy 30 phút nhưng có cả biển, núi và khu mua sắm hiện đại.

Mặc dù cũng còn những mặt hạn chế, nhưng thuận lợi thì lớn hơn nhiều. Ngoài vấn đề giao thông và tiếng ồn, tôi thấy đó là một chốn bình yên. Từ những đứa trẻ chơi trước sân nhà, tới những người đàn ông dùng bữa tối sớm cùng nhau sau giờ làm hay những buổi đi chơi ngoài trời cuối tuần với lũ trẻ trên bãi biển..., nó nhắc tôi về một cuộc sống trước đây, bình lặng hơn khi tôi còn nhỏ.

Có thể phải mất một khoảng thời gian để tìm hiểu mọi người và kết bạn. Dù vậy người dân ở đây vô cùng thân thiện và không hề có quan điểm bài ngoại với người nước ngoài. 

Về chi phí sinh hoạt ở đây, nó tốt hơn nhiều nơi trên thế giới nếu so về cùng một mức sống tương đương và điều đó cũng bao gồm cả ý tưởng nghỉ hưu lúc này. Phần tốt nhất theo tôi đoán là giảm bớt căng thẳng với tôi. 

Không phải đi những chuyến đường dài tới nơi làm việc, không có quá nhiều luật lệ phải tuân thủ và cũng ít rắc rối với cả văn hóa cũng như những người hàng xóm... Tôi nghĩ Việt Nam vẫn là một kho báu còn ít được biết tới.

Anh Jesse Peterson là người Canada, sống và làm việc tại Việt Nam được 9 năm. Anh chọn Việt Nam vì vui và muốn khám phá Việt Nam nhiều hơn nữa - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Luật sư Phùng Anh Tuấn (Công ty luật VCI Legal):

Sự hiếu khách giữ chân người nước ngoài

Phải có cơ sở, Việt Nam mới được các chuyên gia nước ngoài chọn là nơi đáng sống. Tư vấn và làm việc với nhiều người nước ngoài ở Việt Nam, tôi thấy phần lớn người nước ngoài thật sự hài lòng về cuộc sống ở đây, cảm thấy hạnh phúc và gắn bó vài chục năm ở Việt Nam.

Phần lớn những người nước ngoài đều cho biết đã tìm được công việc tốt ở Việt Nam, nhận được nhiều quyền lợi hỗ trợ cuộc sống tiện nghi hơn những quốc gia nếu cùng một vị trí. 

Với những đãi ngộ như vậy, đây đúng là thiên đường cho người nước ngoài trong khi chi phí cho cuộc sống khá thấp. Trong khi đó, hệ thống pháp luật, sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây cũng giúp Việt Nam trở nên thân thiện, an toàn với nhiều người nước ngoài, nên họ tin tưởng và chọn đến sinh sống, làm việc lâu dài.

Nếu như trước đây, người nước ngoài làm việc ở Việt Nam chủ yếu nằm trong nhóm chuyên gia, nhân sự cấp cao như giám đốc điều hành, giám đốc tài chính các tập đoàn quốc tế, công ty đa quốc gia... thì những năm gần đây cơ hội việc làm mở rộng cho nhiều cấp độ, trong đó lao động trẻ người nước ngoài đến Việt Nam ngày càng nhiều hơn. 

Điều này cũng dễ hiểu khi Việt Nam đang là một điểm đến sáng giá của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự thân thiện, cởi mở của người Việt Nam. Trong khi xu hướng "chủ nghĩa dân tộc" đang trỗi dậy, một số quốc gia bị đánh giá bảo thủ hơn, người Việt vẫn giữ được văn hóa thân thiện, hiếu khách mà vẫn có bản sắc riêng.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình (nguyên giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội, thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN):

Nên tiếp tục điều chỉnh những bất cập

Những gì VN đang làm cho thấy sự ổn định, thể hiện một đất nước sẵn sàng sống chung hòa bình với các quốc gia. Tuy nhiên, kết quả đánh giá trên còn nhiều ưu ái cho Việt Nam. Phần lớn tập trung vào các chỉ số "hình thức" như chi phí sinh hoạt, tạo thêm việc làm mới, thiên nhiên đẹp, con người thân thiện...

Trong khi đó, Việt Nam còn nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh, đổi mới để trở thành quốc gia đáng sống thực sự. Chẳng hạn, tình hình an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự vẫn còn lộn xộn, nhiều bất cập. Môi trường kinh doanh còn nhiều "điểm trừ" bởi thủ tục hành chính rườm rà, nhũng nhiễu. Việc thu hút nguồn lao động chất lượng cao từ các nước còn hạn chế.

Do đó, vui nhưng không nên lạc quan quá mà cần nhìn nhận sự kiện này như một dấu mốc để tiếp tục phát huy, củng cố những điểm mạnh về đời sống xã hội, kinh tế... Đặc biệt, phải tiếp tục đổi mới, điều chỉnh những bất cập để Việt Nam trở thành một điểm đến đáng sống cho những trí thức, chuyên gia và thu hút nguồn chất xám của các nước đến làm việc, sinh sống. Khi đó, Việt Nam mới là nơi đáng sống thực sự. Ngược lại, Việt Nam chỉ là nơi cho những du khách đến du lịch hoặc dừng chân một thời gian ngắn rồi đi.

Ông Vũ Minh Quang (đại sứ VN tại Campuchia):

Phải để người Việt cũng cảm thấy hạnh phúc

Tôi không ngạc nhiên về thông tin Việt Nam  lọt top 10 quốc gia đáng sống nhất với người nước ngoài theo bảng xếp hạng của HSBC. Thậm chí, tôi tin rằng Việt Nam cũng là quốc gia đáng sống với đa số người Việt, như nhiều người hay nói "nếu có tiền thì ở Việt Nam là sướng nhất".

Cho nên tôi nghĩ rằng điều đáng ngẫm ngợi nhất sau danh hiệu này đó là phải làm sao để Việt Nam cũng là quốc gia đáng sống với chính người Việt, người Việt cảm thấy hạnh phúc trên đất nước của mình.

Ông Vương Duy Biên (nguyên thứ trưởng Bộ VH-TT&DL):

Cơ hội thu hút thêm du khách

Danh hiệu top 10 quốc gia đáng sống nhất với người nước ngoài của VN do chính người nước ngoài đánh giá, là một niềm vui với người Việt Nam. Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới và nhận ra rằng Việt Nam mình quá đẹp với thiên nhiên phong phú, khí hậu bốn mùa tươi đẹp, văn hóa đa dạng... mang đến lựa chọn phong phú cho nhiều nhu cầu sống khác nhau.

Dù là khách du lịch đến thăm Việt Nam ít ngày hay người nước ngoài đến sống và làm việc ở Việt Nam lâu dài thì đều cảm thấy rất hài lòng. Danh hiệu này là cơ hội để ngành du lịch Việt Nam có thêm động lực cũng như mục tiêu tăng thêm lượng khách quốc tế. Nhưng nó đồng thời là một sự nhắc nhở người Việt, nước Việt phải biết đâu là thế mạnh của mình để tiếp tục phát huy, chung sức bảo vệ môi trường, giữ gìn thiên nhiên tươi đẹp và nhận ra những gì mình còn cần phải khắc phục, vun đắp, sửa chữa để hoàn thiện.

Việt Nam lọt vào top 10 quốc gia đáng sống với người nước ngoài

Tăng đến 8 bậc, Việt Nam lần đầu tiên lọt vào top 10 quốc gia tốt nhất cho những người nước ngoài sống và làm việc trên thế giới, theo báo cáo HSBC Expat 2019 vừa được HSBC công bố, dựa trên phản hồi của hơn 18.000 người nước ngoài đến sống ở 163 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Những yếu tố mà VN được đánh giá cao là dễ thiết lập cuộc sống mới, nền kinh tế ổn định, cơ hội thăng tiến sự nghiệp tốt, đặc biệt là yếu tố cân bằng cuộc sống khá cao và cuối cùng là cuộc sống của người thân... Ngoài ra, người Việt được đánh giá là dễ gần, dễ kết bạn trong khi các điều kiện học tập, trường học đều khá ổn.

Trong đó, chỉ số cơ hội thăng tiến được xếp thứ 3, nơi ở tốt cho gia đình đứng 20 và nơi đáng sống đứng thứ 10, tổng điểm chung giúp Việt Nam lọt vào quốc gia thứ 10 trong bảng xếp hạng những nơi đáng sống và làm việc dành cho người nước ngoài.

Theo đánh giá của báo cáo, nhiều người nước ngoài ở Việt Nam đang tận hưởng một lối sống tốt mà không quá tốn kém. Chi phí lớn nhất mà họ có thể phải chi trả là tiền thuê nhà, học phí và ăn nhà hàng. Chi phí đi lại, điện thoại và Internet khá rẻ. Nếu biết cách thưởng thức các món ăn Việt, giá cả còn có thể tốt hơn.

Khảo sát cũng đưa ra lời khuyên nếu sống ở Việt Nam, người nước ngoài nên tận dụng mọi cơ hội để khám phá, du lịch ở Việt Nam để tận hưởng những kỳ nghỉ thú vị thực sự. Báo cáo cũng cho nhận xét Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và môi trường kinh doanh ở đây rất sôi động, mặc dù vẫn bị hạn chế một chút bởi các giá trị lỗi thời hay những thủ tục hành chính rườm rà.

Nhìn lại quá trình đánh giá Việt Nam trong những năm qua, dữ liệu của HSBC cũng cho thấy hình ảnh VN trong mắt người nước ngoài đang có những thay đổi tích cực.

Từ lý do chọn Việt Nam đơn giản vì thức ăn ngon, chi phí cuộc sống thấp, phong cảnh đẹp, nhiều nơi để khám phá thì hiện nay, người nước ngoài còn xem Việt Nam là cơ hội để có việc làm tốt, thu nhập ổn định nếu như không nói là cao.

Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, sinh sống ở Đà Nẵng thường xuyên gặp gỡ với lãnh đạo TP để trao đổi nhiều vấn đề - Ảnh: V.HÙNG

Ông Huỳnh Đức Trường (giám đốc Sở Ngoại vụ TP Đà Nẵng):

Việt Nam rất thân thiện

Qua nhiều năm tiếp xúc với người nước ngoài sinh sống và làm việc tại VN nói chung và Đà Nẵng nói riêng, tôi được biết họ đánh giá môi trường sống ở đây rất thân thiện và thuận lợi, dễ dàng hòa nhập, hòa đồng.

Đặc biệt, những năm gần đây TP Đà Nẵng tập trung thu hút đầu tư nên tạo nhiều điều kiện rất thuận lợi để thu hút nguồn vốn, hàng nghìn người nước ngoài đến đầu tư, làm việc và kinh doanh tại TP này. Nhiều người nước ngoài, giới doanh nhân nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Đà Nẵng đã cho biết rất hài lòng.

Tuy nhiên, nhiều người nước ngoài cũng thẳng thắn kiến nghị nhiều vấn đề cần cải thiện nhằm giúp môi trường sống ở Đà Nẵng tốt hơn, trở thành một điểm đến thu hút nhiều người nước ngoài đến đầu tư, chọn là nơi sinh sống.

Ông Cao Trí Dũng (chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng):

Môi trường sống phù hợp

Phần lớn người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam cũng như ở Đà Nẵng là doanh nhân, chuyên gia làm việc theo dự án thu hút đầu tư FDI. Qua nhiều năm tiếp xúc, làm việc với người nước ngoài thì họ đánh giá TP là địa điểm sinh sống, làm việc hợp lý, hấp dẫn do môi trường sinh sống, làm việc, sinh thái, thủ tục, cộng đồng dân cư, kinh tế, thu nhập... rất phù hợp với nhiều người nước ngoài.

Tôi thấy ngày càng nhiều người nước ngoài thuê nhà sinh sống ở Đà Nẵng và họ đánh giá các thủ tục, điều kiện sống ở Việt Nam rất tốt. Nếu việc quản lý thị thực, xuất nhập cảnh tốt hơn, thông thoáng hơn, tôi tin rằng ngày càng có nhiều người nước ngoài chọn Đà Nẵng đầu tư, sinh sống và mong muốn ở lâu dài.

Nguồn: Tuoitre.vn

Bình luận